Chiến thắng Ấp Bắc và bài học về xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 9

Thứ 2, 02.01.2023 | 09:08:13
961 lượt xem

Ngày 2-1-1963 đã diễn ra trận đánh với thắng lợi vang dội mang tên Ấp Bắc. Mặc dù lực lượng địch hơn ta nhiều lần, nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Sau Phong trào Đồng khởi 1960, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, quân ngụy bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ nên đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. 

Biện pháp chính của địch là bình địch, dồn dân lập ấp chiến lược trên quy mô lớn theo thủ đoạn “tát nước bắt cá’ nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân, rồi dùng chủ lực mở những cuộc càn quét để diệt bộ đội và du kích của ta.

Từ cuối năm 1961, Mỹ đã đưa vào tham chiến ở miền Nam các đơn vị trực thăng vũ trang, trực thăng chở quân, tiếp theo là các đơn vị biệt kích và xe thiết giáp M-113 cùng với nhiều loại pháo lớn nhỏ, áp dụng chiến thuật tân kỳ “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” với các thủ đoạn mà chúng gọi là “bủa lưới phóng lao” hay “phượng hoàng vồ mồi”.

Chiến thắng Ấp Bắc và bài học về xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 9
Bên tượng đài "Tiểu đội gang thép" tưởng nhớ các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu góp phần làm nên Chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: QUANG ĐỨC 

Với lực lượng đông, được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh và chiến thuật mới, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, quân ngụy liên tiếp mở những cuộc hành quân đánh sâu vào các vùng căn cứ của ta, trong đó có các căn cứ ở Tiền Giang.

Từ cuối năm 1961, Mỹ-ngụy đã giành thế chủ động trên chiến trường, gây cho ta nhiều tổn thất. Vấn đề cấp bách đặt ra cho quân và dân ta ở miền Nam là phải tìm ra cách đánh thắng các chiến thuật mới của địch. Bằng ý chí, quyết tâm cao, bám sát thực tiễn chiến trường, quân và dân ta ở miền Nam từng bước tìm ra cách đánh phù hợp bằng nhiều hình thức chiến thuật phong phú, sáng tạo.

Ngày 2-1-1963 đã diễn ra trận đánh với thắng lợi vang dội mang tên Ấp Bắc. Mặc dù lực lượng địch hơn ta nhiều lần, nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. 

Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật quân sự Việt Nam và sự trưởng thành của LLVT miền Nam. Đây là lần đầu tiên ta đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ-ngụy, báo hiệu sự phá sản không tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà đế quốc Mỹ áp dụng; mở ra Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam.

Trận Ấp Bắc là một trận chống càn điển hình của sự hiệp đồng tác chiến giữa LLVT ba thứ quân; sự lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy chiến đấu khéo léo, tài tình, kiên quyết và linh hoạt, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các mặt đấu tranh: Quân sự, chính trị và binh vận. Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng.

Đối với LLVT Quân khu 9, bài học quan trọng nhất là về nghệ thuật tổ chức xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, quân sự, tạo thế trận chiến tranh nhân rộng khắp trên các địa bàn, thể hiện rõ trên một số vấn đề:

Trước hết, tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT: Từ bài học kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với LLVT địa phương trong Chiến thắng Ấp Bắc, đặt ra với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 trong công tác xây dựng, phát triển LLVT ngày nay, là phải luôn quan tâm xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có năng lực trong tổ chức, lãnh đạo chỉ huy; thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.

Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu thường xuyên trực tiếp trao đổi, tạo đồng thuận, thống nhất và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT địa phương. Thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong LLVT địa phương; chú trọng xây dựng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện công tác quân sự, quốc phòng ở cơ sở.

Hai là, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu: Vận dụng đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và kế thừa bài học kinh nghiệm trong xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, nhất là xây dựng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan quân sự địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Đây là giải pháp nền tảng góp phần xây dựng cơ quan quân sự địa phương các cấp và lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn quân khu đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao; có khả năng làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quân sự, quốc phòng và xử trí tốt các tình huống.

Ba là, tổ chức lực lượng hợp lý, nâng cao chất lượng huấn luyện phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có: Trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, LLVT ta tuy chưa được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, song với cách bố trí sử dụng hợp lý cùng cách đánh linh hoạt, khéo léo bằng vũ khí thô sơ, tự tạo như chông, mìn, cạm bẫy... chúng ta đã giành được thắng lợi giòn giã trên khắp chiến trường miền Tây Nam Bộ, trong đó Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình.

Ngày nay, để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, rèn luyện bộ đội phù hợp với tổ chức, biên chế và vũ khí, trang bị hiện có, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn mới, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu và phù hợp với địa hình đồng bằng sông nước, sát đối tượng tác chiến...

Trong huấn luyện, phải quán triệt quan điểm toàn diện, kết hợp giữa huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn của ông cha, trong đó cách đánh là nội dung quan trọng để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu cho các lực lượng...

60 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Ấp Bắc mãi là bản hùng ca, là niềm tự hào của quân, dân ta. Việc nghiên cứu nguyên nhân thắng lợi, những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa rất quan trọng để vận dụng hiệu quả vào xây dựng LLVT Quân khu 9 nói riêng và xây dựng Quân đội nói chung, nhất là về nghệ thuật quân sự, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu... 

Trung tướng NGUYỄN XUÂN DẮT, Tư lệnh Quân khu 9


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-thang-ap-bac-va-bai-hoc-ve-xay-dung-luc-luong-vu-trang-quan-khu-9-715520

  • Từ khóa