Hội Làm vườn huyện Văn Lãng: “Cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Thứ 5, 11.04.2024 | 09:08:49
937 lượt xem

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có vai trò quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, những năm qua, Hội Làm vườn huyện Văn Lãng đã phát huy vai trò là “cầu nối” giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Hội viên Hội Làm vườn xã Hoàng Việt chăm sóc cây hồng vành khuyên

Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Thúy, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt chủ yếu trồng ngô, cấy lúa hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, gia đình chị chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hồng vành khuyên và nhân rộng diện tích theo từng năm, đến nay gia đình chị có tổng số 2 ha hồng. Chị Thúy cho biết: Những năm đầu do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây hồng phát triển chậm, giá trị kinh tế không cao, từ năm 2017, tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội Làm vườn huyện tổ chức, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất nên cây hồng phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2020, tôi được hướng dẫn chăm sóc hồng theo quy trình VietGAP, nhờ đó mẫu mã, chất lượng quả hồng ngày càng đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn so với sản phẩm canh tác theo hướng truyền thống, năng suất tăng 2 tấn/ha so với khi chưa trồng theo quy trình VietGAP. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được 10 tấn hồng, thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Cũng như gia đình chị Thúy, những năm qua, nhờ tham gia hội làm vườn, nhiều hội viên trên địa bàn xã Hoàng Việt đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây hồng vành khuyên. Bà Lăng Thị Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Làm vườn xã cho biết: Hiện nay, Hội Làm vườn xã có 94 thành viên chủ yếu trồng cây hồng. Hằng năm, hội tuyền truyền, vận động hội viên tham gia từ 3 hoặc 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả (trong đó có cây hồng); hướng dẫn các hộ dân thực hiện mô hình trồng hồng theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, đến nay, hội phát triển được trên 200 ha hồng, trong đó có 30 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, hội có 30 hội viên có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Đến nay, Hội Làm vườn huyện đã thành lập được hội làm vườn tại 5 xã với 960 hội viên. Những năm qua, Hội Làm vườn huyện đã tích cực chỉ đạo hội làm vườn các xã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng. Theo đó, hằng năm, hội làm vườn các xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 3 - 4 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho người dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây hồi, kỹ thuật chăn nuôi...

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện cho biết:  Để giúp hội viên kịp thời nắm vững tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, hằng năm, hội đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên tham gia. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức được 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 750 lượt hội viên tham dự. Ngoài ra, hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình trình diễn như: trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bắc Hùng, Hoàng Việt, Hội Hoan; chăm sóc hồng vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Mỹ, Hoàng Việt... Đặc biệt, để hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hằng năm, hội còn phối hợp tổ chức cho hội viên tham quan, học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện (trong năm 2023, hội đã tổ chức cho các hội viên tham quan, học tập mô hình trồng hồng vành khuyên tại xã Tân Mỹ)...

Nhờ triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp, các hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, Hội Làm vườn huyện có trên 70 mô hình phát triển kinh tế của hội viên đem lại thu nhập bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm (đây là 1 trong 4 hội làm vườn cấp huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn tỉnh). Trong năm 2020, 2021, hội đã phối hợp xây dựng được 2 sản phẩm OCOP hồng vành khuyên tại thôn Nà Mò (xã Tân Mỹ) và thôn Pò Pheo (xã Hoàng Việt); từ năm 2017 đến nay, hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả hồng vành khuyên.

Từ việc phát huy hiệu quả vai trò là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với hội viên đã khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên, mạnh dạn đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Năm 2023, Hội Làm vườn huyện Văn Lãng là 1 trong 4 đơn vị hội làm vườn cấp huyện được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào làm kinh tế VAC, xây dựng và củng cố tổ chức hội vững mạnh nhiệm kỳ 2018 - 2023.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/hoi-lam-vuon-huyen-van-lang-cau-noi-dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nong-dan-5005149.html

  • Từ khóa