Cần cơ chế đột phá trong xây dựng hệ thống đường sắt đô thị

Thứ 2, 15.04.2024 | 08:43:11
305 lượt xem

Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội là rất cần thiết, đòi hỏi các cơ chế, chính sách tạo bước đột phá.

Mục tiêu năm 2035, Hà Nội có hơn 400km đường sắt đô thị

Hệ thống ĐSĐT mang đến nhiều lợi ích, điển hình là giảm tắc nghẽn giao thông, tăng cường khả năng di chuyển và tiếp cận các dịch vụ vận tải, rút ngắn được hành trình giao thông, tăng cường an toàn đường bộ... Bên cạnh đó, với mức tiêu thụ trung bình 0,12 kWh/hành khách/km, ĐSĐT tiết kiệm năng lượng trên mỗi hành khách gấp hơn 7 lần so với việc di chuyển bằng ô tô trong thành phố. 

Nguồn năng lượng chủ yếu cho đường sắt là điện, có thể tiêu thụ một phần nhiên liệu sinh học dưới dạng dầu diesel sinh học. Do đó, giảm được lượng khí thải. “Theo tính toán, nếu một triệu hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng ĐSĐT thì một ngày chúng ta tiết kiệm được 394.000 giờ tham gia giao thông. Nếu 50% số này được đưa vào sản xuất dịch vụ thì chúng ta có thể tạo ra năng suất lao động xã hội là gần 30 tỷ đồng và giảm được khoảng 100 tấn khí thải độc hại”, TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay.

Về định hướng phát triển ĐSĐT tại Hà Nội, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km ĐSĐT. Đồng thời, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang được bàn thảo với mục tiêu tạo ra đột phá về hạ tầng cho phát triển Thủ đô; trong đó, đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Cần cơ chế đột phá trong xây dựng hệ thống đường sắt đô thị
 Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: NGUYỄN HUY 

 

Kiến nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đường sắt đô thị

Đến nay, về ĐSĐT, Hà Nội mới hoàn thành được 13km (tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông) và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn-ga Hà Nội. Để hoàn thành được mục tiêu có hơn 400km ĐSĐT vào năm 2035 là thách thức lớn. Theo đó, Hà Nội cần phải vượt qua các thách thức về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, thách thức về hình thành khung chính sách và quy định, nguồn kinh phí và cả những hạn chế, khó khăn sau khi đưa hệ thống ĐSĐT vào khai thác. 

Đưa ra giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đi trước. “Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống ĐSĐT làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện bảo đảm khả thi”, ông Lê Quang Hùng cho biết. 

Nhấn mạnh về tính đồng bộ của các quy định, ông Lê Quang Hùng kiến nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống ĐSĐT với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện. Trong khi đó, TS Vũ Hồng Trường cho rằng, nếu có tư duy đột phá, TP Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành việc xây dựng các tuyến ĐSĐT theo quy hoạch. “Chỉ riêng việc để lái tàu được cấp giấy phép đã phải sửa các thông tư, nghị định rất nhiều lần liên quan đến độ tuổi cấp phép lái tàu”, ông Vũ Hồng Trường dẫn chứng. 

Khẳng định việc xây dựng hệ thống ĐSĐT với TP Hà Nội là yêu cầu cấp bách, PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kiến nghị, về cơ chế, Quốc hội cần sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật. Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề giao thông của Thủ đô, trong đó trao quyền và trách nhiệm cho lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề này cũng là một phương án được PGS, TS Bùi Thị An đề cập. “Thủ đô không phải là của riêng Hà Nội, mà là của cả nước nên phải có đột phá về phát triển giao thông, trong đó có hệ thống ĐSĐT”, PGS, TS Bùi Thị An bày tỏ.

Quan tâm tới khía cạnh khác, một số chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần tạo thuận lợi cho hành khách ra vào nhà ga, chuyển tuyến thì người dân mới sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn xây dựng đường sắt. Do đó, cần hoàn thiện tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công và nghiệm thu đường sắt trong khu vực đô thị để bảo đảm chất lượng và tăng nhanh tiến độ, giảm giá thành xây dựng.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/can-co-che-dot-pha-trong-xay-dung-he-thong-duong-sat-do-thi-772775

  • Từ khóa