Vốn vay ưu đãi theo Nghị định 28: “Đòn bẩy” giúp người dân thoát nghèo

Thứ 3, 16.04.2024 | 08:48:39
628 lượt xem

Sau 2 năm triển khai, chính sách tín dụng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát triển nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, tạo “đòn bẩy” để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Lãng hướng dẫn người dân vay vốn theo Nghị định 28

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi này đã và đang hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh phát triển sinh kế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Đưa chính sách vào cuộc sống

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 83%, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với bà con, thực hiện ước mơ xây dựng được một ngôi nhà khang trang và có thu nhập ổn định là rất khó khăn. Thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, năm 2022, Chi nhánh NHCSX tỉnh đã triển khai cho người dân vay vốn với mục đích hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay theo Nghị định 28 đạt trên 51 tỷ đồng với 1.094 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, sửa chữa gần 900 ngôi nhà; 230 hộ có vốn để chuyển đổi nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm...

Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các doanh nghiệp và các hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi; đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc; thời hạn vay từ 10 - 15 năm.

Để chính sách đi vào cuộc sống, ngay sau khi Nghị định 28 có hiệu lực, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện chương trình này, Chi nhánh đã chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các hệ thống phòng giao dịch NHCSXH huyện tham mưu UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân; phối hợp với phòng lao động, thương binh xã hội – dân tộc tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai đến các xã, thị trấn thực hiện rà soát, xác định đối tượng để trình UBND huyện phê duyệt.

Khi các huyện đã có danh sách đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác cùng với các tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân.

Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay, ngay sau khi có Nghị định 28 của Chính phủ, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vốn đến người dân. Ngoài ra, để nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện nhanh chóng rà soát đối tượng thụ hưởng có nhu cầu hỗ trợ về vốn để đăng ký, trình UBND huyện phê duyệt. Đến nay, dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị định 28 trên địa bàn huyện đạt gần 6,9 tỷ đồng với 154 khách hàng vay.

Tiếp sức cho người dân vươn lên

Nghị định 28 đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề và sản xuất, hướng đến vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiêu biểu như gia đình ông Vi Văn Mừng, thôn Đoàn Kết, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng đã được vay vốn theo Nghị định 28 để xây dựng nhà ở. Ông Mừng phấn khởi: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Năm 2022, tôi được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn cùng cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình hỗ trợ nhà ở với số tiền 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Cùng với nguồn vốn tích góp gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ đây gia đình tôi yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tương tự, gia đình chị Vi Thị Anh, thôn Suối Mạ B, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đã được vay vốn theo Nghị định 28 để trồng rừng. Chị Anh cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Tháng 6/2022, tôi được cán bộ NHCSXH huyện tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để đầu tư trồng hơn 3.000 cây bạch đàn, có thêm nguồn lực để chăm sóc 2.000 cây bạch đàn đã trồng từ năm 2016. Chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lên đến 10 năm nên gia đình tôi rất yên tâm tập trung phát triển kinh tế, hiện toàn bộ diện tích rừng đều phát triển tốt, đặc biệt, tháng 11/2023 vừa qua, gia đình tôi khai thác một số diện tích rừng trồng từ năm 2016 và thu được trên 100 triệu đồng.

Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay theo Nghị định 28 đạt trên 51 tỷ đồng với 1.094 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, sửa chữa gần 900 ngôi nhà; 230 hộ có vốn để chuyển đổi nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, bên cạnh phối hợp định hướng, tuyên truyền hộ vay sử dụng vốn phù hợp, Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tiến hành kiểm tra, giám sát các hộ vay. Từ khi triển khai đến nay, đơn vị đã phối hợp kiểm tra được 2.325 lượt hộ. Qua kiểm tra cho thấy các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, trả lãi và gốc đúng thời hạn.

Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng để xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh theo Nghị định số 28 của Chính phủ đã góp phần tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn phê duyệt kịp thời danh sách đối tượng nhằm giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/von-vay-uu-dai-theo-nghi-dinh-28-don-bay-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-5005685.html



  • Từ khóa